Adware là phần mềm gì – đây là câu hỏi được không ít người dùng web đặt ra. Chắc hẳn trong quá trình lướt web, bạn đã không ít lần gặp phải những cửa sổ pop-up chứa nội dung quảng cáo xuất hiện tự động. Đây chính là một dạng của Adware. Trong bài viết này, hãy cùng Kiến Thức Phần Mềm tìm hiểu rõ hơn Adware là gì và làm thế nào để bảo vệ thiết bị khỏi các Adware nhé.
Adware là phần mềm gì?
Khái niệm Adware là gì
Adware được viết đầy đủ là “Advertising supported software”. Đây là một loại phần mềm chuyên dụng có mục đích hỗ trợ hiển thị quảng cáo. Khi click vào quảng cáo được hiển thị, người dùng sẽ được điều hướng tới website mới được quảng cáo và có thể bị thu thập các dữ liệu cá nhân để phục vụ mục đích marketing.
Hiện nay có 5 loại Adware phổ biến nhất, đó là Gator, DeskAd, DollarRevenue, Appearch và Fireball. Adware được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Bao gồm các cửa sổ pop-up, video, quảng cáo toàn màn hình, banner… Một khi đã xâm nhập vào thiết bị, Adware sẽ tự thực hiện những tác vụ không theo ý muốn của người dùng, đó là:
- Mở tab mới một cách tự động
- Thay đổi trang chủ tìm kiếm sang một website mới
- Thu thập dữ liệu người dùng để phục vụ mục đích quảng cáo
- Điều hướng người dùng tới những website mới được phân loại là “not safe/suitable for work”
Phần lớn các phần mềm Adware hiện nay đều được chấp nhận sử dụng hợp pháp. Bạn có thể tải ứng dụng miễn phí hoặc truy cập vào quảng cáo nếu muốn. Tuy nhiên không ít trường hợp, Adware là phần mềm độc hại có chứa mã độc, virus nên người dùng cần hết sức cảnh giác.
Nguồn gốc ra đời của Adware
Adware ra đời lần đầu vào năm 1995. Khi đó Adware bị xem là một dạng khác của Spyware. Vậy spyware là gì? Đây là một loại phần mềm gián điệp được kẻ xấu sử dụng để thu thập dữ liệu máy tính của nạn nhân một cách bất hợp pháp.
Tuy nhiên sau khi nghiên cứu tìm hiểu, các chuyên gia bảo mật đã đi đến kết luận rằng Adware và Spyware vẫn có điểm khác biệt. Họ cho rằng Adware là một chương trình “PUP” (potentially unwanted program), hay “chương trình không mong muốn”. Vì vậy nó tiềm ẩn ít nguy hiểm hơn so với Spyware. Cũng vì vậy mà tính hợp pháp của Adware đã tăng lên đáng kể.
Vào giai đoạn 2005 – 2008, Adware đã bị lạm dụng và được các nhà phát triển phân phối không theo sự giám sát của đối tác. Khoảng thời gian này, Adware xuất hiện ở khắp mọi nơi và người dùng nghĩ rằng mình đang bị Adware tấn công.
Tuy nhiên trong những năm trở lại đây, ứng dụng Adblocker đã ra đời. Người dùng cài đặt tiện ích Adblocker cho trình duyệt web để tránh bị làm phiền quá nhiều bởi Adware. Cũng từ đó mà Adware được giảm thiểu, tuy nhiên các nhà phát triển web cũng mất đi kha khá doanh thu từ quảng cáo hợp pháp.
Trước kia, người dùng Macbook thường khá yên tâm bởi phần mềm Anti-Malware – Xprotect đã được tích hợp sẵn trong hệ thống. Tuy nhiên đến năm 2012, phiên bản Adware dành riêng cho máy Mac đã ra đời. Từ đó các Mac Adware cũng xuất hiện ngày một nhiều hơn. Vì vậy hiện nay, nguy cơ Macbook bị nhiễm Adware cũng cao tương tự như máy tính cài Windows.
Ai được hưởng lợi từ Adware?
Nhà phát triển phần mềm Adware và các nhà phân phối sẽ được bên yêu cầu quảng cáo trả tiền hoa hồng. Các khoản phí hoa hồng thường được áp dụng như sau:
- Hoa hồng/lần nhấp chuột: Khoản tiền thu được mỗi người lần người dùng click vào quảng cáo
- Hoa hồng/lượt xem: Khoản tiền thu được mỗi lần người dùng xem quảng cáo
- Hoa hồng/lần cài đặt: Khoản tiền thu được mỗi khi người dùng cài đặt phần mềm trên thiết bị
Đối với bên thứ ba trả tiền để quảng cáo được hiển thị, Adware mang đến cho họ những lợi ích như:
- Nâng cao độ phủ sóng của thương hiệu
- Giúp nhiều người dùng biết đến sản phẩm, dịch vụ mà họ đang cung cấp
- Thu thập dữ liệu người dùng để điều chỉnh hoạt động marketing cho phù hợp
Adware xâm nhập vào thiết bị như thế nào? Dấu hiệu nhận biết Adware là gì?
Cách Adware tấn công thiết bị
- Thông qua shareware hoặc freeware: Các bản dùng thử (shareware) hoặc phần mềm miễn phí (freeware) được cung cấp tới người dùng mà không yêu cầu đóng bất cứ khoản phí nào. Do đó nhà phát triển sẽ kiếm nguồn thu từ việc hiển thị các quảng cáo của bên thứ ba khi người dùng trải nghiệm phần mềm.
- Truy cập website không an toàn: Việc truy cập vào những website có độ bảo mật không cao chính là cơ hội để Adware xâm nhập và tiến hành tải tự động vào ổ đĩa trong thiết bị của người dùng. Sau khi đã thâm nhập vào thiết bị, Adware sẽ thực hiện những công việc như thu thập thông tin trái phép, chèn quảng cáo rác, điều hướng người dùng đến các website xấu độc…
Dấu hiệu nhận biết Adware
Adware có khả năng xâm nhập vào bất cứ hệ điều hành và thiết bị nào. Để nhận biết thiết bị của mình có tồn tại Adware hay không, bạn có thể dựa vào một số dấu hiệu sau đây:
- Quảng cáo rác xuất hiện thường xuyên và tại những vị trí bất bình thường
- Trang homepage của trình duyệt đột nhiên bị chuyển sang một website mới
- Các website được hiển thị sai cách
- Người dùng bị điều hướng đến những website không mong muốn
- Trình duyệt thường xuyên bị treo hoặc hoạt động chậm chạp
- Trên trình duyệt xuất hiện các plugin, tiện ích mở rộng, toolbar mới mà bạn chưa hề cài đặt
- Các ứng dụng được cài đặt tự động mà không có sự cho phép của người dùng
Nên làm gì khi thiết bị nhiễm Adware?
Các phương pháp bảo mật tránh bị Adware
Trên thực tế nếu biết áp dụng các phương pháp bảo mật thích hợp thì bạn vẫn có thể đảm bảo an toàn cho thiết bị của mình. Sau đây là một số cách thức hiệu quả nhất:
- Hãy thận trọng khi tải xuống bất cứ thứ gì từ mạng Internet
- Đọc kỹ điều khoản trước khi tải xuống, chú ý đến các đoạn đề cập đến phần mềm bên thứ ba, quảng cáo…
- Kích hoạt tính năng chặn cửa sổ bật lên trên trình duyệt. Đối với Google Chrome, bạn hãy truy cập vào Preferences > Privacy > Content Settings và bật tính năng chặn cửa sổ pop-up.
- Tuyệt đối không click vào những quảng cáo có nội dung không chính thống, độc hại
- Tránh download nội dung từ các website bất hợp pháp, các website cung cấp link torrent
- Không nên truy cập các website có độ bảo mật kém, trang web lạ không đáng tin cậy
- Sử dụng các phần mềm antivirus, anti-spyware, anti-adware
Cách xử lý khi thiết bị nhiễm Adware
Trong trường hợp xấu nhất, nếu thiết bị đã bị nhiễm Adware thì bạn có thể áp dụng những phương pháp sau đây để khắc phục:
- Gỡ bỏ ứng dụng nghi là có chứa Adware
- Quét và diệt virus bằng các phần mềm chuyên dụng
- Xóa lịch sử và dữ liệu duyệt web
Các phần mềm loại bỏ Adware là phần mềm gì?
Sau đây là top 5 phần mềm giúp ngăn chặn và loại bỏ Adware hiệu quả và được nhiều người sử dụng nhất:
Phần mềm Malwarebytes
Malwarebytes là phần mềm giúp ngăn ngừa và chống lại các nguy cơ từ những mã độc, virus. Phần mềm này cung cấp 2 phiên bản dành cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân. Trong đó nếu sử dụng phiên bản cá nhân thì bạn có thể trải nghiệm bản miễn phí hoặc bản Premium có tính phí.
Các tính năng nổi bật của Malwarebytes có thể kể đến như:
- Diệt virus, phát hiện và ngăn ngừa các loại virus theo dõi, mã độc, trojan, malware, worm…
- Cung cấp nhiều chế độ quét như Custom Scan, Hyper Scan, Threat Scan…
- Ngăn ngừa tấn công mạng
- Các tính năng và công cụ của Malwarebytes được cập nhật liên tục
Phần mềm HitmanPro
HitmanPro cũng là lựa chọn tuyệt vời khi bạn cần bảo vệ thiết bị khỏi Adware. Đây là một công cụ quét hệ thống tương thích chủ yếu với máy tính Windows. Phần mềm này cung cấp nhiều gói đăng ký với các mức giá khác nhau. Ngoài ra người dùng cũng được trải nghiệm phần mềm miễn phí trong 30 ngày.
HitmanPro được tích hợp những tính năng chính như:
- Quét hệ thống, phát hiện và phân loại các mối đe dọa
- Cách ly hoặc loại bỏ những file đáng ngờ
- Giao diện đơn giản, sử dụng dễ dàng
- Có cả phiên bản 32-bit và 64-bit
Phần mềm Adware Removal tool by TSA
Đây là phần mềm chuyên dụng nhằm loại bỏ Adware cực kỳ hiệu quả. Nó giúp ngăn chặn các PUPs, phần mềm quảng cáo, phần mềm gián điệp cứng đầu nhất. Adware Removal tool by TSA sử dụng nền tảng đám mây và được cung cấp hoàn toàn miễn phí.
Những công dụng nổi bật của phần mềm Adware Removal tool by TSA là:
- Nhận diện các Adware được cài đặt ẩn sâu trong máy tính và loại bỏ triệt để những phần mềm đó
- Phần mềm dựa trên đám mây dạng portable, không cần cài đặt
- Cho phép thiết lập lại các trình duyệt web như Chrome, Firefox, Internet Explorer…
Phần mềm Zemana AntiMalware
Nếu muốn xóa sạch các phần mềm quảng cáo khỏi thiết bị thì bạn cũng có thể cân nhắc sử dụng Zemana AntiMalware. Phần mềm này cũng được phát triển trên nền tảng đám mây. Vì vậy nó sử dụng rất ít tài nguyên của thiết bị.
Zemana AntiMalware có những ưu điểm như:
- Hỗ trợ loại bỏ nhiều loại phần mềm độc hại như Rootkit, Virus, Trojan, Worm, Adware…
- Cho phép gỡ cài đặt các tiện ích mở rộng của trình duyệt và các toolbar xấu
- Được sử dụng miễn phí trong 15 ngày
Phần mềm AdwCleaner
Với những ai đang tìm kiếm một công cụ loại bỏ Adware tốn ít dung lượng thì AdwCleaner sẽ là lựa chọn không thể bỏ qua. Đây là phần mềm miễn phí được cung cấp bởi Malwarebytes với những tính năng tuyệt vời như:
- Dọn rác máy tính bằng cách xóa các PUP, trình duyệt tin tặc, phần mềm quảng cáo…
- Loại bỏ các phần mềm làm giảm hiệu suất máy tính
Hy vọng rằng bài viết này đã giúp bạn hiểu hơn Adware là phần mềm gì và những cách phòng tránh, bảo vệ thiết bị khỏi Adware. Tuy nhiên nếu có vô tình click phải quảng cáo có chứa Adware thì bạn cũng đừng quá lo lắng mà hãy cài đặt các phần mềm chuyên dụng để quét hệ thống và loại bỏ triệt để các Adware.