Khái niệm định vị sản phẩm là gì đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp cho sản phẩm của doanh nghiệp bạn trở nên nổi bật hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Vậy làm thế nào để một sản phẩm có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường và thu hút ngày càng nhiều khách hàng? Trong bài viết này, Kiến Thức Phần Mềm sẽ giải thích thế nào là định vị sản phẩm cũng như quy trình định vị sản phẩm đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng rộng rãi.
Định vị sản phẩm là gì?
Định vị sản phẩm có thuật ngữ tiếng Anh tương ứng là “Product Positioning”. Đây được hiểu là hoạt động thiết kế và sáng tạo sản phẩm với những nét đặc trưng riêng, khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh. Thông qua đó, sản phẩm của bạn sẽ trở nên nổi bật và để lại ấn tượng mạnh mẽ với người tiêu dùng. Khách hàng cũng sẽ dễ dàng nhận diện sản phẩm của bạn giữa một loạt các mặt hàng cùng chủng loại trên thị trường.
Việc định vị sản phẩm ra sao sẽ quyết định trực tiếp đến cách mà doanh nghiệp bạn triển khai toàn bộ kế hoạch marketing. Vì vậy không thể bỏ qua khâu định hướng sản phẩm trong quá trình làm Marketing.
Những lợi ích của định vị sản phẩm là gì?
Mọi doanh nghiệp đều phải biết cách định vị sản phẩm của mình để có được chỗ đứng nhất định trên thị trường. Dưới đây là những lợi ích mà hoạt động định hướng sản phẩm mang lại:
- Định vị sản phẩm nhằm tìm ra những lợi thế cạnh tranh của sản phẩm so với các mặt hàng khác về các phương diện như: Chất lượng, giá bán, công dụng, dịch vụ chăm sóc khách hàng…
- Góp phần nâng cao mức độ uy tín của thương hiệu, từ đó thu hút thêm nhiều khách hàng tìm và lựa chọn sản phẩm của doanh nghiệp.
- Giúp cho sản phẩm trở nên khác biệt và nổi bật để khách hàng có thể ghi nhớ lâu hơn.
Những yếu tố giúp định vị sản phẩm là gì?
Để định vị sản phẩm cần dựa trên những yếu tố chính sau đây:
Định vị theo thuộc tính sản phẩm
Để định hướng sản phẩm dựa trên đặc tính thì doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ lưỡng nhu cầu của khách hàng. Cần trả lời được các câu hỏi như: Lợi ích mà khách hàng mong muốn nhận được từ sản phẩm là gì, họ quan tâm đến đặc tính nào…
Ví dụ về định vị sản phẩm theo thuộc tính:
- Nếu mua một chiếc xe máy, người tiêu dùng sẽ mong muốn tìm hiểu về các đặc tính như: Thiết kế, kiểu dáng, khả năng tiết kiệm xăng, độ bền…
- Nếu mua một chiếc áo thì những đặc tính mà khách hàng quan tâm thường là chất liệu, kiểu dáng, khả năng giữ ấm…
- Nếu đăng ký sử dụng dịch vụ mạng thì khách hàng sẽ muốn được cung cấp thông tin về các đặc tính như: Phạm vi phủ sóng, sự đa dạng về dịch vụ, giá cước phí rẻ…
Định vị dựa trên vị trí của các đối thủ cạnh tranh
Doanh nghiệp có thể dựa trên vị trí sản phẩm được định vị bởi các đối thủ cạnh tranh và coi đó như thước đo đánh giá để định vị sản phẩm của mình ở vị trí cao hoặc thấp hơn. Nếu muốn định vị sản phẩm ở vị thế cao hơn thì doanh nghiệp cần tập trung vào một phương diện nào đó vượt trội hơn đối thủ.
Định vị dựa trên giá cả và chất lượng sản phẩm
Trong trường hợp doanh nghiệp dựa vào các yếu tố giá cả và chất lượng để định vị sản phẩm thì cần cân nhắc kỹ lưỡng chiến lược kinh doanh của mình. Cụ thể, nếu định vị sản phẩm ở phân khúc giá cao thì đó thường là thương hiệu cao cấp, sang trọng. Ngược lại, nếu cung cấp sản phẩm với mức giá thấp thì doanh nghiệp cần sở hữu lợi thế về chất lượng sản phẩm tốt hoặc chi phí sản xuất, nguyên vật liệu thấp, như vậy mới có cơ hội xâm nhập thị trường.
Định vị dựa trên hình ảnh khách hàng
Đôi khi trên thị trường có một số dòng sản phẩm rất khó để phân biệt bởi chúng có nhiều điểm tương đồng. Trong trường hợp này, sản phẩm sẽ được nhà sản xuất gán cho các hành vi, phong cách của khách hàng được cho là sẽ sử dụng những sản phẩm này. Khi sản phẩm được định vị thông qua hình ảnh khách hàng thì bạn sẽ giúp cho thương hiệu của mình đến gần hơn với người tiêu dùng.
Các bước định vị sản phẩm gồm những gì?
Thông thường, doanh nghiệp sẽ định vị sản phẩm theo các bước sau đây:
- Bước 1: Doanh nghiệp sẽ nghiên cứu những tiêu chuẩn đánh giá của khách hàng và dựa vào đó để xác định vị trí cho sản phẩm của mình.
- Bước 2: Doanh nghiệp lựa chọn chiến lược cạnh tranh cho sản phẩm dựa trên tiềm lực của đơn vị mình.
- Bước 3: Doanh nghiệp phát triển hệ thống marketing mix dựa trên chiến lược cạnh tranh của sản phẩm.
- Bước 4: Doanh nghiệp triển khai kế hoạch marketing mix để thu hút các khách hàng mục tiêu.
Một số ví dụ về chiến lược định vị sản phẩm phổ biến hiện nay
Dưới đây Kiến Thức Phần Mềm sẽ giới thiệu đến bạn một số ví dụ về các chiến lược định vị sản phẩm đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng hiện nay:
Chiến lược “More for the same”
Chiến lược “More for the same” chú trọng vào việc mang đến cho khách hàng những sản phẩm có chất lượng tốt hơn các đối thủ nhưng lại được bán với giá ngang bằng. Nhờ vậy bạn có thể đánh bại ngay cả những đối thủ có chỗ đứng lâu năm trên thị trường.
Chiến lược “More for more”
Chiến lược định vị sản phẩm này thường được các doanh nghiệp áp dụng để cung cấp những sản phẩm chất lượng tốt và có giá bán cao hơn nhiều lần so với các đối thủ cạnh tranh. Đối tượng khách hàng của chiến lược thường là những người có thu nhập cao. Những thị trường với nền kinh tế phát triển có thể áp dụng chiến lược “More for more” đạt hiệu quả cao.
Ví dụ: Các hãng thời trang cao cấp như Gucci, Chanel, Louis Vuitton… thường tung ra các sản phẩm hướng đến những khách hàng giàu có, những người sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn để sở hữu những món đồ đẳng cấp.
Chiến lược “More for less”
“More for less” được hiểu là chiến lược mà trong đó doanh nghiệp sẽ cung cấp sản phẩm chất lượng tốt hơn với mức giá thấp hơn các đối thủ. Chiến lược này sẽ giúp bạn thu hút đông đảo khách hàng sử dụng sản phẩm. Mặc dù vậy không nên áp dụng nó trong thời gian dài bởi có thể khiến doanh nghiệp phải chịu thua lỗ.
Ví dụ: Hiện nay điện thoại Vsmart Live 4 đang phải cạnh tranh trực tiếp với những cái tên như Samsung Galaxy A51, Redmi Note 8… Tuy nhiên dòng smartphone Vsmart này lại được bán với giá thấp hơn khá nhiều những đối thủ của mình.
Chiến lược “Less for much less”
Chiến lược “Less for much less” hướng tới khách hàng là những người có thu nhập thấp. Theo đó, doanh nghiệp sẽ tạo ra các sản phẩm có giá bán thấp hơn nhiều so với những đối thủ cạnh tranh. Để có được mức giá này, doanh nghiệp sẽ tối cắt giảm chi phí ở mọi khía cạnh như chi phí marketing, đóng gói, thiết kế bao bì…
Ví dụ: Trên thị trường hiện nay, mì Miliket tuy có chất lượng đảm bảo nhưng có giá thành thấp hơn nhiều so với các hãng mì khác. Dễ nhận thấy, những gói mì Miliket cũng có bao bì được thiết kế khá đơn giản. Hãng này cũng không thực hiện quá nhiều các chiến dịch quảng cáo trên tivi, báo đài.
Như vậy là bạn đã hiểu được định vị sản phẩm là gì rồi. Có thể thấy, việc định vị sản phẩm đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự thành bại của một dòng sản phẩm nào đó. Chỉ khi sản phẩm được định vị một cách đúng đắn thì nó mới có thể tiếp cận đúng đối tượng khách hàng và mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Ban biên tập: Kiến Thức Phần Mềm