Doanh số và doanh thu là hai khái niệm thường xuyên bị nhầm lẫn với nhau. Trên thực tế, đây đều là hai khái niệm vô cùng quan trọng phản ánh tình hình tài chính – kinh doanh của một doanh nghiệp. Trong bài viết này, kienthucphanmem.com sẽ giải thích cho bạn doanh số và doanh thu là gì cũng như một số thông tin hữu ích liên quan.
Đôi nét về khái niệm doanh số
Doanh số là gì?
Doanh số được hiểu là tổng số sản phẩm/dịch vụ được doanh nghiệp bán ra trong một khoảng thời gian xác định. Khoảng thời gian này có thể là một tuần, một tháng, một quý đến một năm và còn gọi là “một kỳ kế toán”.
Doanh số được tính bằng toàn bộ số tiền mà doanh nghiệp kiếm được trong thời gian nhất định (gọi là doanh số bán hàng) và số tiền chưa thu được (các đơn đặt hàng từ đại lý ký gửi, đơn hàng giao trước trả tiền sau). Khoản tiền doanh nghiệp kiếm được bao gồm cả những loại chi phí khác như thuế, khấu hao… Doanh số có thể được cấu thành bởi cả doanh thu cũng như tiền bán hàng không nằm trong doanh thu.
Doanh số được tính theo công thức nào?
Doanh số được tính theo công thức đơn giản như sau:
- Doanh số = Đơn giá bán x Sản lượng
Dưới đây là ví dụ về cách tính doanh số:
Doanh nghiệp A kinh doanh các mặt hàng thời trang và bán một cái áo có giá 100.000 đồng/cái. Chỉ trong ngày 07/03/2023, doanh nghiệp đã bán được 50 chiếc áo cùng loại. Khi đó doanh nghiệp sẽ đạt được mức doanh số là: 100.000 x 50 = 5.000.000 đồng
Vai trò quan trọng của doanh số
Tầm quan trọng của doanh số đối với doanh nghiệp được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau như:
- Doanh số cao thể hiện khả năng bán ra trong khoảng thời gian xác định, từ đó cho thấy tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đang phát triển mạnh mẽ.
- Cho thấy ban lãnh đạo doanh nghiệp đang áp dụng chiến lược kinh doanh hợp lý. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng bởi khi có chiến lược kinh doanh bài bản, đúng đắn thì doanh nghiệp mới có thể nâng cao lợi thế cạnh tranh và gia tăng doanh số nhanh chóng.
- Doanh số cao chứng tỏ đội ngũ cán bộ công nhân viên làm việc hiệu quả.
- Mức doanh số cao cũng là động lực để toàn bộ đội ngũ trong công ty không ngừng phấn đấu và đạt được thành tích tốt hơn. Từ đó vị thế của doanh nghiệp sẽ được củng cố với tài chính vững mạnh và khả năng phát triển dài hạn.
- Doanh số cũng có ý nghĩa cho biết tốc độ quay vòng vốn của doanh nghiệp. Khi doanh số tăng trưởng thì doanh nghiệp cũng sẽ ghi nhận sự gia tăng của tốc độ luân chuyển và quay vòng vốn. Nhờ vậy mà doanh nghiệp sẽ sở hữu nguồn vốn lớn phục vụ việc tái đầu tư, giúp cắt giảm nguồn vốn vay bên ngoài.
Mặt khác, khi liên tục ghi nhận sự sụt giảm doanh số nghĩa là doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh không diễn ra thuận lợi. Bên cạnh đó, doanh số giảm cũng khiến cho tỉ lệ quay vòng vốn giảm đi và tỷ trọng vốn vay bên ngoài tăng lên, điều này rất dễ dẫn đến tình trạng làm ăn thua lỗ, phá sản. Khi đó, doanh nghiệp phải nghiên cứu, tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục để hạn chế sự thất thoát về doanh thu.
Doanh số và doanh thu khác gì nhau?
Khái niệm doanh số thường bị nhiều người nhầm lẫn và sử dụng thay thế cho khái niệm doanh thu. Sau đây Kiến Thức Phần Mềm sẽ giúp bạn có cách hiểu đúng nhất về doanh thu và doanh số:
Tại sao cần phân biệt rạch ròi giữa doanh số và doanh thu?
Doanh số – doanh thu là những căn cứ quan trọng và có vai trò cốt lõi để doanh nghiệp xác định được hiệu quả của các chiến lược kinh doanh, năng lực tài chính thực tế và tình hình kinh doanh của mình.
Nếu không phân biệt rõ hai khái niệm này, doanh nghiệp thường gặp phải các lỗi như: Bỏ qua việc tính toán dòng tiền, tính thanh khoản, gặp trục trặc về độ trễ của các khoản đầu tư… Ngoài ra, doanh nghiệp cũng dễ mắc phải những sai lầm như: Quá coi trọng vai trò của giá thành, không quan tâm đến vai trò của kế toán thu, đưa ra nhận định không chính xác về hiệu quả bán hàng…
Khác biệt về bản chất
Theo khái niệm ở trên, có thể hiểu doanh số toàn bộ số tiền mà doanh nghiệp kiếm được trong một khoảng thời gian xác định. Trong khi đó, thuật ngữ doanh thu được dùng để chỉ tất cả những giá trị lợi ích kinh tế mà doanh nghiệp nhận được sau mỗi kỳ kế toán.
Nói một cách dễ hiểu hơn, doanh thu không chỉ tính riêng khoản tiền lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được từ hoạt động kinh doanh mà nó còn bao gồm cả lợi nhuận đến từ các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp (ví dụ như chứng chỉ quỹ, cho vay, trái phiếu, cổ phiếu…), tiền lãi ngân hàng, số tiền thu được nhờ cho thuê tài sản… Sự tăng giảm doanh thu có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp, tổ chức.
Doanh thu thường sẽ bao gồm những khoản tiền đến từ các nguồn như:
- Hoạt động tài chính
- Hoạt động cho thuê tài sản
- Tiền cho vay, đầu tư trái phiếu, gửi ngân hàng…
- Các khoản tiền chênh lệch khi chuyển nhượng hàng quán, bán ngoại tệ…
- Nguồn tiền từ giao dịch chứng khoán
- Những khoản thu không cố định, có được trong thời gian ngắn
Khác biệt về công thức tính
Như đã nói ở trên, trong công thức tính doanh số sẽ bao gồm cả những khoản phí như chiết khấu, giảm giá, hàng lỗi. Ngược lại, doanh thu sẽ được tính bằng số tiền mà doanh nghiệp nhận được sau khi đã trừ đi tất cả các khoản chi phí khác như hàng bị trả lại, giảm giá, chiết khấu… Dưới đây là công thức tính doanh thu:
- Doanh thu = Doanh số – Hàng bị trả lại – Chiết khấu – Chi phí giảm giá
Khác biệt về vai trò đối với doanh nghiệp
Doanh số thể hiện kết quả, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Nó cũng là minh chứng cho thấy những chiến lược kinh doanh mà doanh nghiệp áp dụng trong một khoảng thời gian nhất định có mang lại hiệu quả không. Doanh nghiệp sẽ nhận được một khoản doanh số khi thực hiện thành công một hợp đồng kinh tế, mua bán hay những giao dịch nào đó. Nếu như đạt được doanh số cao tức là doanh nghiệp đang có thế mạnh ở những mảng như:
- Đội ngũ bán hàng có năng lực chuyên môn tốt
- Lựa chọn và triển khai một cách đúng đắn các chiến lược về giá, sản phẩm, kênh phân phối…
- Đạt hiệu quả cao trong việc thực hiện các chiến lược PR, quảng cáo, bán hàng cá nhân…
- Các bộ phận liên quan làm việc với hiệu suất cao
Trong khi đó, doanh thu thường được coi là thước đo đánh giá lợi nhuận thực tế mà doanh nghiệp thu được. Ngoài ra, doanh thu cao cũng góp phần thể hiện doanh nghiệp đang đạt hiệu quả ở những phương diện sau đây:
- Một phần hiệu quả của đội ngũ bán hàng
- Khả năng đàm phán giá cả của đội Sale
- Hiệu quả đến từ chính sách thanh toán giá
- Chính sách giá bán và doanh số được triển khai hiệu quả
- Những tín hiệu tích cực từ hoạt động thu
Làm thế nào để tăng doanh số cho doanh nghiệp?
Thúc đẩy tăng trưởng doanh số để thu về lợi nhuận cao luôn là mong muốn của ban lãnh đạo doanh nghiệp. Mời bạn tham khảo các phương thức gia tăng doanh số bán hàng hiệu quả đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng:
Tổ chức các đợt khuyến mãi, giảm giá
Chiết khấu, giảm giá hoặc các đợt siêu sale chính là chiến lược marketing về giá được áp dụng vô cùng phổ biến hiện nay. Chiến lược này nhắm đến mục tiêu kích cầu tiêu dùng, tăng doanh số nhanh chóng trong thời gian ngắn. Khi áp dụng chiến lược tăng doanh số này, doanh nghiệp sẽ giảm giá niêm yết của sản phẩm ở mức phần trăm nào đó khiến cho sản phẩm trở nên hấp dẫn hơn với người tiêu dùng. Nhờ vậy mà các khách hàng sẽ quyết định chọn mua sản phẩm của bạn.
Mang đến trải nghiệm dịch vụ miễn phí cho khách hàng
Với chiến lược tăng doanh số này, bạn có thể cho khách hàng trải nghiệm thử những sản phẩm của mình trong thời gian ngắn. Một khi đã tạo được ấn tượng tốt với khách hàng, bạn có thể đề xuất họ trải nghiệm các tính năng cao cấp hơn khi đăng ký những gói nâng cao. Điều này sẽ kích thích sự tò mò của khách hàng và khiến họ mong muốn tìm hiểu thêm về sản phẩm.
Tạo mini-game
Bạn cũng có thể thu hút sự chú ý của các khách hàng tiềm năng bằng cách tổ chức những cuộc thi nho nhỏ như mini-game hay give-away và trao tặng các giải thưởng có giá trị. Thông qua những cuộc thi này, thương hiệu của bạn sẽ được nhiều người biết đến hơn mà không phải tốn quá nhiều chi phí phục vụ việc marketing.
Tạo ra sự khan hiếm
Các doanh nghiệp cũng có thể thúc đẩy doanh số và doanh thu bằng cách tạo ra sự khan hiếm. Ví dụ như các nhãn hàng sẽ bán ra khoảng 100 – 150 sản phẩm với mức giá siêu rẻ cho những khách hàng đầu tiên. Điều này sẽ nhanh chóng tạo ra hiệu ứng lan truyền và thu hút hàng dài khách hàng kéo đến cửa hàng của bạn để được mua sắm. Thậm chí không ít người còn xếp hàng từ đêm hôm trước để mua được sản phẩm với giá rẻ nhất.
Vậy là bài viết này đã giúp bạn phân biệt giữa doanh số và doanh thu cũng như các chiến lược tăng trưởng doanh số vượt bậc rồi. Có thể nói, tình hình doanh số đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của hoạt động kinh doanh. Vì vậy các doanh nghiệp cần áp dụng chiến lược marketing phù hợp nhằm đạt được sự tăng trưởng doanh số cao nhất.
Ban biên tập: Kiến Thức Phần Mềm